Cách đây đúng 01 năm, khi tôi vừa thất nghiệp được một tháng. Thời gian ấy, tôi nửa không thiết tha quay lại chốn công sở, nửa lại ứng tuyển nhiều chỗ chỉ để trả lời câu hỏi: Liệu tôi có thực tài? Vài câu hỏi thông thường cứ lẩn quẩn trong đầu tôi. Việc nhẹ lương cao? Được làm những gì mình đam mê (mà mình đam mê cái gì ấy nhỉ?)? Công việc mang lại cả tiếng và miếng?

Nobody vs Somebody: Hấp lực để không trở thành người vô danh

If you wannabe nobody – Nếu muốn mình không là ai cả, mọi chuyện đơn giản, không có gì phải trăn trở nhiều cả. Sáng nay, lúc đi ngang qua một xưởng may, tôi thấy một bảng tuyển dụng to đùng. Lương công nhân may là 6 triệu đến 15 triệu, chưa kể trợ cấp. Chắc sẽ cực lắm, nhưng không tệ. Tôi miên man nghĩ về việc mình sẽ làm một anh công nhân ròm tất tả mỗi ngày. Dậy sớm, về khuya, sống trong một khu trọ tập thể. Ăn những bữa cơm hộp cùng với bao người, hút vài điếu thuốc nếu thấy buồn chán. Những ngày nghỉ quý giá chắc phần lớn sẽ ngủ, không thôi xách xe máy đi Vũng Tàu tắm biển cũng sẽ vui lắm. Một công việc bình thường, một cuộc sống bình thường và sẽ hạnh phúc nếu biết đủ.

Tôi cũng đã từng nói với mấy đứa bạn về chuyện tham vọng. Chẳng sao cả nếu bạn mong ước một cuộc sống đơn giản, bình thường và vừa đủ. Chẳng sao cả nếu như bạn chẳng muốn thành “ông này, bà nọ”. Khi bạn không có tham vọng, không có nghĩa là thấp kém gì hết. Đơn giản ai cũng đòi làm thầy, ai làm thợ cho? Một team ai cũng đòi làm leader thì thành viên lấy đâu, không có thành viên thì liệu leader có làm được gì? Cái gì cũng có vai trò của nó, không cái nào cao sang hơn cái nào cả.

Tiếc thay, hấp lực của việc phải trở thành ai đó – wannabe somebody – không phải ai cũng có thể cưỡng lại được.

Rejected – Bị từ chối: 10 năm kinh nghiệm thì vẫn thất nghiệp như thường

Như đã nói, người đờn ông 30 tuổi – thất nghiệp nhưng đầy tự tin bước vào đường đời với bao niềm tin yêu chói lọi về năng lực của bản thân. Sau đây là một số câu chuyện phỏng vấn của tôi.

“Anh ở ngoài nên thấy vậy thôi. Chứ còn vô làm thiệt corporate khác lắm”

Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một recruiter của một ngân hàng lớn nước ngoài. Bạn recruiter có số điện thoại của tôi qua Linkedin. Trên Linkedin tôi cũng có chú thích là tôi đã làm việc cũng nhiều lĩnh vực, nhưng chỉ có mỗi ngành tài chính là chưa làm, do thấy nó cũng khá khó.

Thế nên, bạn recruiter cũng làm rất tốt việc mở đầu câu chuyện từ phần chú thích đó. “Biết là anh chưa làm marketing trong ngành tài chính nhưng em muốn giới thiệu cho anh công việc bên em, vì lỡ đâu bây giờ anh sẽ thấy thú vị, quan tâm.”

Đây là ngân hàng nước ngoài khá nổi, thế nên tôi cũng muốn tiếp tục trò chuyện. Cô ấy mô tả công việc, cấu trúc cho vị trí là Head of Marketing, không quên chú thích rằng phải làm việc với rất nhiều stakeholders khác nhau. Bản thân các công việc cũ của tôi cũng làm việc hợp tác với ngân hàng, thậm chí Ngân hàng này cũng là khách hàng bên Advertising Platform mà tôi từng làm việc,nên tôi khá hiểu các phần bạn ấy nói và phản hồi.

Tôi muốn xem JD cụ thể hơn. Bạn recruiter bắt đầu hỏi: em đang băn khoăn kinh nghiệm của anh tuy nhiều nhưng lại chưa từng làm ở Corporate lần nào, sợ anh làm không được, vì môi trường corporate rất khác.

Tôi cũng biết bất lợi của mình nhưng có trả lời bạn rằng đối với senior thì bản chất phải có khả năng thích ứng tốt và hơn nữa sự chuyên nghiệp vẫn sẽ có những nguyên tắc bất di bất dịch, đâu cũng vậy. Chưa kể tôi đã từng làm việc với họ ở cty cũ.

Bạn recruiter lúc này trả lời: anh ơi, anh ở ngoài nên thấy vậy thôi. Chứ còn vô làm thiệt corporate khác lắm. Anh Long nghĩ sao nếu bây giờ e giới thiệu anh vị trí khác làm việc độc lập mà vẫn đúng chuyên môn của anh?

Đến lúc này tôi cũng hơi hoang mang không biết rốt cuộc bạn ấy muốn tìm người cho vị trí nào. Nhưng tôi cũng giữ lịch sự kèm theo quan điểm rõ ràng: nếu là execution không phải management thì không thuộc mong muốn làm việc của tôi, nhưng dẫu sao đi nữa cũng phải xem jd là như thế nào thì tôi mới biết là tôi có quan tâm hay không.

Bạn recruiter nhanh chóng cám ơn và bảo sẽ gửi jd. Và câu chuyện đáng nói là bạn ấy đã không gửi jd. Thôi tôi cũng hiểu là không có duyên vậy.

“Em nói – giao tiếp tiếng Anh tốt không?”

Một ngày đẹp trời khác, có một chị Recruiter từ một công ty bia Đức gọi điện cho tôi. Phải nói nghe tên công ty là bản thân thấy sướng rơn vì đây cũng là một trong những công ty tôi rất thích.

Chị hỏi về công việc đã làm những gì, đã quản lý bao nhiêu người,… Sau đó chị giới thiệu một chút về vị trí chị đang cần tuyển, nghe cũng hay dữ lắm. Chị cũng có hỏi lương mình mong muốn nữa. (Trời ơi, dzô rồi dzô rồi.)

Câu chuyện thắm đượm sự thân thiết như thể tôi chuẩn bị được vào công ty làm tới nơi thì chị hỏi:
– Em nói – giao tiếp tiếng Anh tốt không?
– (Tôi hơi ngập ngừng) Dạ. Cũng ổn. Nhưng ý chị như thế nào là tốt ạ?
– Vị trí công việc này đòi hỏi phải thường xuyên thuyết trình với vùng, nên chị cần người phải có giao tiếp – thuyết trình tốt.
– Dạ. Thực ra 01 năm nay thì em có chuyển qua làm công ty VN, công việc cũng không có điều kiện giao tiếp tiếng Anh nhiều. Trước đó, thì công việc cũ của em là làm việc với sếp nước ngoài, đặc thù công việc của em cũng phải có thuyết trình tiếng Anh, giao tiếp với sếp, vân vân… Nên nếu yêu cầu chị như thế thì chắc em cũng đáp ứng được.
– À. Vị trí này chị cần phải fluent kia. Vậy chắc hẹn em dịp khác. Chị sẽ lưu &$@(*&$@)(%

Nói chung là sau đó, à không có sau đó nữa…

Liệu bạn (hay tôi) có thực tài?

Thực ra nếu bạn vẫn luôn là người đau đáu câu hỏi này, tôi nghĩ là vẫn còn thuốc chữa. Nghĩa là, tôi gặp nhiều người họ rất tự tin với tài năng của bản thân mình, cuộc đời họ rất ổn cho tới khi nó không còn ổn nữa. Khi mà tôi hay bạn, những tưởng bản thân mình giỏi cho đến khi “bị từ chối” – trong trường hợp này, tôi đang nói về chuyện đi làm – chuyện thất nghiệp. Và cũng rất khó để ta có thể đối diện với bản thân rằng mình chưa đủ tốt để biết đường mà sửa đổi.

Không thể phủ nhận từ hồi ĐH tôi rất thích làm cho corporate – cũng oách chứ bộ. Nhưng cuộc đời run rủi thế nào, các công ty tôi làm đều là các công ty về công nghệ, khởi nghiệp các kiểu. Cũng làm được nhiều điều mà thỉnh thoảng tôi có được vài người xuýt xoa bảo là: Long giỏi thế.

Và đến lúc mà bản thân tôi, sau 10 năm kinh nghiệm, tôi cũng mạnh dạn muốn làm cái điều mà mình đã nghĩ đến hồi còn sinh viên đại học. Kể cả giờ lớn rồi, biết chuyện: “làm ông này bà nọ” hay làm ở công ty nước ngoài là điều quá đỗi phù phiếm (đối với tôi), tôi vẫn không cưỡng lại được mong muốn ấy. Tiếc thay, đời không như là mơ.

Suy cho cùng, đơn giản là tôi không thể phù hợp với các vị trí ở big corp. 10 năm kinh nghiệm, dẫu là chuyên môn nhưng khó có thể được đánh giá cao về độ lớn công việc (scope of work, scale). Kiểu là làm marketing quản lý ngân sách 100 triệu/tháng, khác với làm marketing quản lý ngân sách 1 tỷ/tháng. Làm thì làm được, nhưng các nhà tuyển dụng hay công ty không muốn mạo hiểm với những người như tôi.

Can đảm thừa nhận đúng năng lực bản thân

Nhìn đúng bản thân là một chuyện khó, nhìn ra được rồi có can đảm chấp nhận nó, để sửa đổi không lại là một chuyện khác.

Có những công việc bạn có thể rất tự hào, công việc đó mang lại cho bạn thành tích. Nhưng hãy cẩn thận vì đó có thể là cái bẫy. Có thể là thực ra nó vẫn chỉ là điều nhỏ bé, như kiểu “ếch ngồi đáy giếng” – và rồi ta không cố gắng nữa, hoặc thậm chí không cố gắng quá nhiều. Để rồi sau đó ta lãnh hậu quả.

Career Planning – lập kế hoạch cho nghề nghiệp – là điều mà trong chúng ta ai cũng thiếu

Bạn đang ở đâu – vị trí nào, bạn muốn đi đến đâu, bạn cần chuẩn bị những gì để đi đến đó? Đó là những câu hỏi nhất thiết bạn cần phải trả lời cho được trước khi quyết định làm một cái gì đó.

Chọn một công ty to hay nhỏ để làm đều là lựa chọn riêng của mỗi người. Nhưng nếu bạn muốn mình ở một vị trí nào đó, thì hãy biết “mơ cao” – hãy biết nghĩ đến những điều to lớn, rèn luyện để đạt được những tiêu chuẩn vươn đến đó. Đến cả những điều này bạn cũng không hoạch định được, chỉ biết vui với những thành công (mà bạn tưởng là thành công) hiện tại mà không biết nghĩ xa hơn thì rồi bạn cũng sẽ trở về nơi bắt đầu của mình.

Can đảm để thoát ra khỏi những sự dễ chịu của những thành công hiện tại, can đảm để thấy khó chịu khi nhận ra bản thân mình vẫn chưa đủ giỏi. Và hãy biết hoạch định con đường nghề nghiệp của bản thân từ bây giờ. Để năm 30 tuổi, bạn không thấy hối hận và không thấy điều gì là quá trễ.

1 Comment

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.