Cách đây gần 01 năm, tức tháng 10/2016, tôi đã bắt đầu mang trong mình nỗi buồn mang tên: “tôi là ai? tôi đang ở đâu đây?” khi chứng kiến một vài đồng nghiệp của tôi lần lượt thôi việc.
“Thôi việc” – thực ra đó cũng là thứ thường tình rồi thôi, người đến người đi nó cũng là quy luật. Nhưng đôi khi đối với những người cộng sự thật sự đã cùng làm với nhau điều gì đó, thì khi họ đi cũng khiến công việc của tôi bớt đi ý nghĩa một chút. Thế đã đành, lại thêm những gì đã nghĩ, đã dự định làm cùng nhau thế là cũng bỏ chỏng chơ ngay đấy. Không có cái gì tự nhiên mà đến. Cũng có lý do của nó cả. Như lúc đó, chuyện đến cứ phải đến – đó là cột mốc cho tôi hay vài người nữa phải suy nghĩ: ra đi hay ở lại? Mà đi thì lại đi đâu ấy chứ? Nơi tôi đến thì có vẻ không thiếu, nhưng gần như tôi không có cảm nhận được một nơi nào đó đúng dành cho tôi, nơi tôi thuộc về.

06 tháng sau, tôi chính thức nghỉ việc tại Cốc Cốc. Sếp lúc đấy hỏi: “Bộ ở đây không còn chuyện gì cho em làm nữa à?”. Một anh bạn lúc này cũng hỏi: “Chán làm ‘hiệu trưởng’ rồi à?”. Việc không hết, căn bản mọi thứ không có gì đáng chán. Tôi thích Cốc Cốc – nơi tôi làm việc đến mức chiều nay khi nhớ mọi người, gặp lại mọi người mà chỉ muốn khóc thôi. Tôi yêu Cốc Cốc đến mức mà cũng cái nắng mùa hè đó, nhưng chỉ đúng ở khung cửa đó, đúng ở lối đi đó mới làm tôi cảm thấy tràn trề sức sống khi có tia nắng rọi vào.
Đúng. Mọi thứ của tôi đối với ba mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, người xung quanh mà nói luôn quá tốt rồi có gì phải phàn nàn đâu. Nhưng đối với riêng bản thân tôi, tôi sợ mắc kẹt trong cái “bẫy trung bình”: ôi là tốt rồi, ôi là đủ rồi. Cứ đứng trên sân khấu hay trên lớp nói sa sả có vẻ tự tin vậy, nhưng trước khi lên trên bục thì đó là một tôi hoàn toàn khác. Luôn luôn hồi hộp, luôn luôn lo âu. Chỉ đơn giản, dạy Digital Marketing nói riêng và dạy học nói chung, rủi ro cao là thế giới đã thay đổi mất đất, mình vẫn chưa kịp cập nhật và dễ quê một cục. Mà dẫu có không quê thì vẫn luôn có lỗi là lỡ nói bậy nói sai. Không cần đi dạy, những ai còn thời sinh viên chắc không bao giờ quên cái chuyện là lên lớp thuyết trình, mà làm nhóm 3 – 4 người, rồi chuẩn bị cả tuần liền, lên chỉ nói được 30 phút để cho nhóm khác nói thì sẽ hiểu ngay chuyện đi dạy là như thế nào. Để đứng lớp 2 giờ thì phải tốn 10 tiếng chuẩn bị giáo án là tối thiểu, và cả bao nhiêu năm kinh nghiệm đi làm, bao nhiêu tháng ngày thực hành,… Thế thì chuyện tôi đi dạy cũng thế thôi. Dạy nhiều cho cố, xong kiến thức kinh nghiệm cũng hết, không có thời gian học thêm, làm thêm cái gì, thời thế thì thay đổi xong rồi thì cũng “tèo”. Đi dạy có vẻ “oai”, nhưng đi làm nghề đối với tôi mà nói vẫn là cái tôi mong muốn hơn. Nhưng bạn thấy đó, rời khỏi “comfort zone” không phải là điều dễ dàng, tôi đã vật lộn với bản thân suốt 06 tháng trời để đưa ra quyết định.

Trong thời gian “tôi đi tìm tôi” đó, tôi có cơ duyên được mời đến dạy cho bộ phận truyền thông – truyền hình của một nơi được gọi là Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (viết tắt là BSA Center Vietnam). Không biết có ai có một sự hết hồn nhẹ đối với tên của nơi này không, nhưng đối với tôi, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nghe đến nơi này. Đây là một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận, chuyên thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ Doanh nghiệp (hoang mang quá). Bất ngờ hơn đây là đơn vị quản trị và thực hiện các hoạt động của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (hoảng hồn luôn). Tên nghe rất nhà nước, hoạt động nghe cũng rất nhà nước nhưng thực ra là của một đơn vị tư nhân hoàn toàn. Do đặc thù công việc, nên ai nấy ở đó cũng hiền hoà dễ thương, và tôi không khó để trò chuyện thân thiết với mọi người.
Người Việt chi 3 tỉ mua nhà ở Mỹ; Chuyện quan chức và biệt phủ; Đề suất “sốc” tăng thuế VAT;… Chắc đâu đó bạn đã nghe tiêu đề đại khái như thế này. Và chắc bạn cũng sẽ nghe những tiếng thở dài, tặc lưỡi: Ôi Việt Nam mà. Tôi vẫn nhớ trong một lúc trả lời với báo chí, bà Phạm Chi Lan đã nói một điều: “Ở Việt Nam, họ lo lắng từ đồ ăn, giao thông, học hành của con cái đến vấn đề y tế. Về kinh doanh, làm việc với chính quyền lại khó khăn; bỏ số tiền lớn mua hàng nhưng lại không đáng tin cậy, không được bảo vệ. Cái đó những lãnh đạo phải quan tâm chứ không nên trách cứ. Thục tế, có những cái ở Việt Nam rất đắt nhưng chất lượng lại không bằng nước ngoài.” Không bàn chuyện đúng sai ở đây vì tôi biết bạn sẽ có suy nghĩ cho riêng mình. Có bức xúc không? Đối với tôi thì có lẽ có. Hằng ngày cứ lướt cái feed Facebook thì bao nhiêu lời nói tiêu cực, đi đến cả những câu chuyện trà đá cũng thế. Mà “bức xúc không làm ta vô can” (Đặng Hoàng Giang). Khi đứng trước xã hội có quá nhiều bức xúc, có người sẽ chọn cách than phiền, thậm chí có người chọn cách quay lưng bỏ mặc, còn có một số ít khác họ chọn làm một điều gì đó để thay đổi. Ở BSA tôi gặp những con người như vậy đó. Thay vì chọn than phiền, họ chọn làm những điều để có thể thay đổi: đó là hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Làm cầu nối giữa chính phủ – chính sách và Doanh nghiệp, giữa Doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đào tạo Doanh nghiệp, kết nối các cơ hội thương mại trong và ngoài nước,… Mà không ai mướn, không ai mượn cả, họ vẫn làm. Họ bận bịu để làm những điều có ích thay vì than phiền, thầm lặng không khoa trương. Tiếp xúc với mọi người, công việc của mọi người, những gì tôi “ngờ ngợ” về “thế giới này” trở nên sinh động và rõ nét. Như kiểu đã hiểu tại sao Việt Nam vẫn chưa giàu như nước bạn, hiểu vì sao nhiều Doanh nghiệp Việt mãi không “ngóc đầu lên nổi” vì chính sách,…
Giải thưởng Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao do người tiêu dung bình chọn đã tồn tại 02 thập kỉ, và rồi nó cũng có cái “già cỗi” như chính cái dòng thời gian đó. Tôi có duyên gặp được những con người nơi đây vào đúng năm thứ 21 – mà mọi người vẫn gọi là bắt đầu lại từ 01 – một chuỗi hành trình – một vòng xoay đổi mới khác. Tôi đến lúc trong giai đoạn thay đổi đó. Tôi cũng chọn bắt đầu hành trình mới của mình tại đây và quyết định dừng việc ở Cốc Cốc. Không phải dễ dàng gì. Có nhiều công nhiều chuyện để làm nghề là một lẽ, mặt khác đó cũng là điều tôi tìm kiếm bấy lâu: làm được điều gì đó thật sự có ý nghĩa lớn và tạo được ảnh hưởng. Bớt một lời than phiền sống tốt hơn, cứ mỗi người một chút thì ta sẽ được them nhiều chút. Chọn một công ty nước ngoài, lương cao chót vót hay làm startup năng động cũng tốt thôi, nhưng đối với tôi làm việc tại đây để là một phần của tác nhân thay đổi thì đó mới thật sự là điều tôi muốn làm.
Đã gần 05 tháng trôi qua làm tại đây, được “vùng vẫy” nhưng mà cũng không có dễ nuốt. Website vẫn thấy ghê chưa sửa xong, video làm mãi mới có 1 cái “tạm viral”, email marketing thì giờ vẫn chưa quy hoạch xong database,… Nhiều lúc đã tự hỏi sao tự dưng phải đâm đầu vào cái ca khó vậy. Nhưng cứ thử tự cho mình lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ không chọn khác đi. Vì: khi lựa chọn ở đây, tôi đã tìm thấy chính mình. Mà đã tìm thấy mình thì ai lại rời bỏ đi, phải không?
nhờ bài viết này của anh em mới vào fb BSA coi thử, thấy có ve có ích. có hướng đi mới. hồi còn làm kinh doanh, mỗi khi bốc dt lên , nghe tổ chức cái gì mà ” giúp đỡ doanh nghiệp”, ” bình chọn hàng viet nam chất luọng cao” là em muốn bỏ máy xuống ngay. Lúc đó em ko tin một chút nào là mấy cái tổ chức đó có thê giúp ích gì cho em để tiếp cận nguòi tiêu dùng , có thể nâng cao doanh số cty, hay nâng tầm thương hiệu hay gì gì hết. Doanh nghiệp mà, doanh số luôn là vấn đề quan trọng. mặc dù sản phẩm của em có thể tự tin là không thua kém chất luọng sản phẩm cùng loại ở ngoài nuóc…thê là lúc đó em cứ thế tự bơi và muốn đuối nước mấy lần
nói chung cũng hi vọng là vói nhiệt huyết của a và BSA có thể thấy dc cơn gió thay đổi :”>
vN mìh có nhiều thú hay ho và tiềm năng lám, chỉ là cách tiếp cận của đa số chúng ta bị lệch thôi
Thực tế cũng có nhiều bên mạo danh Hội để lấy tiền doanh nghiệp. Tụi a cũng có bộ phận để chuyên phát hiện và xử lý các trường hợp đó. Vì bản chất bên a ko thu tiền Dn để cho họ chứng nhận