Thủa trẻ thơ, bạn chẳng buồn hỏi hay tìm kiếm hạnh phúc, vì có thể lúc ấy, chúng ta – cả tôi và bạn đều vui. Làm người lớn, tự dưng cái quay quắt hỏi về chuyện làm sao để hạnh phúc hơn. Trên mạng, trong sách, người ta cũng bày cho cách làm sao để hạnh phúc và tôi chợt nhớ ra cái cách mà tôi đã được học: lắng nghe giọng nói trong đầu của bạn.
Hồi đại học, tôi có được tham gia một buổi training về tinh thần, đại loại về hạnh phúc. Tôi hiểu những gì được chị chủ nhiệm CLB của tôi lúc đấy dạy. Nhưng để gọi là thực tập theo thì quả tình, phải gần 10 năm sau đó tôi mới có thể vỡ ra và làm theo được. Cho đến gần đây, khi những chủ đề liên quan đến hạnh phúc, rồi định kiến, bla bla… khiến tôi muốn viết lại những gì tôi đã học, đã nhớ. Hy vọng rằng nó sẽ giúp cả tôi và một vài bạn.
Chatterbox và cơ chế hoạt động
Trở lại với điều mà tôi đề cập trước đó về “giọng nói trong đầu của bạn”. Theo bài học đã lý giải rằng, trong đầu chúng ta luôn có một kẻ luôn miệng nói cho chúng ta điều này điều kia về cuộc sống, mà hầu hết là điều tiêu cực. Kẻ này có tên gọi là Chatterbox. (Tìm lại cái này ở trên mạng, tôi cũng khá khó khăn không tìm được một bài viết đầy đủ như chính tôi đã học. Các bạn có thể tìm bằng từ khoá: chatterbox voice in your head)
Một cách nói vui của tôi về “gã chatterbox” này tai hại trong cuộc sống của chúng ta là: Người nói không nghĩ nặng, nhưng người nghe lại nghĩ nặng. May quá, bây giờ bạn đã có kẻ để đổ thừa rồi, không phải là bạn cả nghĩ, do chatterbox mà ra cả.
Để hiểu hơn về cách hoạt động của chatterbox, mời bạn xem hình ở dưới đây.

Ở hình vẽ trên, tôi đang đưa ví dụ có thật của bản thân. Trục hoành, chỉ về số tuổi, trục tung chỉ về kinh nghiệm mà bạn thu lượm được trong quá trình trưởng thành.
Năm 16 tuổi, khi tôi đi học trường cấp 3, tôi nhận được những phản hồi về giọng nói kiểu là: giọng Long éo éo pê đê nhỉ, giọng giống con gái ghê. Tất nhiên, tôi cũng đủ lớn để tự so sánh với giọng của mấy đứa con trai khác, đúng thế thật. Với sự kiện đó, năm 16 tuổi, tôi thu được cái kinh nghiệm về việc mình mà mở miệng nói ra, thể nào cũng sẽ bị chê cười về giọng nói (thậm chí là không có biểu hiện gì, tôi cũng đoán là sẽ bị chê cười). Đó là vùng tam giác kinh nghiệm tôi có được khi 16 tuổi (thể hiện ở ảnh trên)
Năm 18 tuổi, khi tôi đi học Đại học, trong một lần cafe ở cái quán đối diện trường, ngồi nói chuyện nhảm nhí. Bạn tôi lúc ấy bất chợt nhìn tôi tủm tỉm cười: Giọng ông Long nhẹ nhàng dễ thương ghê. Tôi lúc đó kiểu không đến nỗi phang cái ghế nhựa vào mặt bạn, nhưng cũng kiểu xô ghế tức giận bỏ đi không một lời từ biệt. Bạn tất nhiên không hiểu chuyện gì lúc đó, còn tôi mấy hôm sau bình tâm lại nhưng cũng tuyệt nhiên không hé răng về cái cơn tự ái vô cớ của mình. Chỉ là, sau vài hành động của bạn ấy, tôi hiểu là bạn ấy khen giọng tôi dễ thương thật. Đó, đó là cách mà chatterbox làm hỏng niềm vui của bạn, làm mọi thứ xung quanh của bạn xấu xí đi.
Nghĩa là, với mỗi lứa tuổi, bạn sẽ có trải nghiệm và kinh nghiệm nhất định nào đó, nó kết thành vùng tam giác kinh nghiệm. Đó là cơ sở lý luận của “gã chatterbox” – gã lý luận dựa trên vùng kinh nghiệm đã có. Và chuyện gì có xảy ra khỏi ngoài vùng tam giác đó, thì hắn không quan tâm lắm, hắn sẽ rỉ vào tai bạn những điều tiêu cực. Như chuyện bạn tôi đã khen tôi thật, nhưng mà chatterbox đã rỉ tai tôi là: má, nó nói mỉa mày đó, tức cành hông chưa? Tôi đã thấy may vì thật sự đã không phang ghế vào người bạn kia vì lời nói của gã.
Lẽ dĩ nhiên, vùng tam giác kinh nghiệm không thể mãi cứ nhỏ bé được, nó vẫn cứ lớn dần lên bởi cách bạn “lắng nghe giọng nói trong đầu” của bạn, phân biệt được những điều cần làm, nên làm.
Một vài điều gã chatterbox hay nói với bạn
#Itsimpossible
“Thôi, cái này chắc mình không làm được đâu.” – Bạn nghe câu này quen không? Đứng trước các mong muốn, các quyết định, giọng nói của bạn sẽ luôn nói rằng kinh nghiệm đã cho thấy rằng bạn đã rất tệ, không thể làm, bla bla
Chính câu nói này làm giới hạn bản thân của bạn, ngăn bạn làm được những điều tốt đẹp cho chính bạn trong cuộc đời.
#Takingitpersonally
Loài người luôn muốn được yêu thương. Chúng ta sống ở trong đời muốn được tôn trọng. Nhưng vô tình những điều xảy ra trong cuộc sống, chẳng nhằm vào ta, nhưng lại làm chúng ta buồn.
-Anh cứ hay seen tin nhắn của em. Em tưởng là anh ghét em rồi.
-Không. Anh seen tất cả mọi người mà em.
Taking it personally là kiểu thế đó, chúng ta hay cứ ám thị mọi thứ không tốt vào bản thân mình, xong rồi tự cảm thấy không được yêu thương hay không được tôn trọng.
Xong rồi, ta tự buồn là một lẽ, mà có khi ta còn im lặng với nhau, dẫn đến hỏng cả một mối quan hệ mà đáng lý nó rất tốt đẹp. Chatterbox nó là cái kiểu: ê, nó ý nói mày đó, mày nghe rõ chưa?
#Còn mấy cái nữa mà quên hết rồi ạ – Sẽ bổ sung sau
Tất nhiên, nói đi thì cũng nói lại. Có khi có những điều bạn không thể thật. Như kiểu nhảy từ trên lầu xuống không chết là điều impossible vậy. Hay, có khi người ta ghét mình, cũng nói mỉa mình thiệt đó, cũng nên chú ý chứ cũng đừng bơ bơ :)) Nói vậy để hiểu rằng “giọng nói trong đầu” cũng là thứ bạn nên lắng nghe, để tự điều chỉnh lại cách nghĩ của bạn thân, để hạnh phúc hơn (có khi là cả thành công hơn).
Trích đăng một câu nói của Brian Tracy dành tặng cho bạn:
Có lẽ, điều tác động mạnh mẽ nhất đến thái độ sống và tính cách của bạn là những gì bạn nói với chính mình, cũng như tin tưởng. Đó không phải là những điều đã xảy ra với bạn, mà là cách bạn “đấu tranh nội tâm” để lựa chọn những suy nghĩ đúng đắn, và cuối cùng là để hành động. Bằng cách kiểm soát cuộc đối thoại với chính bạn, bạn sẽ bắt đầu có thể kiểm soát được mọi điều khác trong cuộc sống.