Lợi ích của việc đối diện với tổn thương

Đi làm, lắm lúc chán ói những cuộc họp mà bạn thấy vô nghĩa. Rồi đôi lúc thấy có mấy điều nghe cũng kì kì, muốn có ý kiến lắm, nhưng sợ người khác sẽ nói mình vớ vẩn, ngốc nghếch. Ngày 8 tiếng ở văn phòng, chẳng thiết tha mấy với việc nói chuyện với ai đó. Tóm gọn lại là CHÁN CHẢ BUỒN NÓI, CHẢ BUỒN NHÚC NHÍCH.

Đã thế, tự dưng làm chuyện gì cũng bị mắc lỗi. Mà ôi thôi, bị sếp mắng là một lẽ, mà hình như đồng nghiệp cũng kiểu nói không tốt về mình thì phải…

Bạn có thấy những điều trên quen thuộc với bản thân mình không? Cũng là một người đi làm, đến tận khi đã là một nhà quản lý rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn có tâm trạng tương tự. Nói vui là: bởi tâm trạng này đúng với nhiều người đi làm nên “Bài này chill phết” mới trở nên hot như vậy. Càng lớn, chẳng biết vì cái gì mà người trưởng thành càng cố gắng giấu cảm xúc của mình đi nhiều hơn. Tiếc thay, việc giấu cảm xúc hay những tổn thương của bản thân lại không giải quyết được vấn đề gì cả, thậm chí làm bạn tệ hơn. Mất đi niềm vui trong công việc, không tìm được ý nghĩa việc mỗi ngày đi làm, vân vân và vân vân…

Vulnerability nói về việc chấp nhận sự thật là bản thân mình yếu đuối, dễ/đang bị tổn thương (Theo Oxford Dictionaries). Biểu hiện của việc không chấp nhận sự thật này là né tránh nói về vấn đề đang diễn ra; hoặc cứ trì hoãn để giải quyết một công việc nào đó… Hậu quả của việc này thì khỏi phải nói: lo lắng, bất an, căng não, mất ngủ hoặc ngủ vùi…

Đối diện với tổn thương như thế nào?

Thừa nhận là mình không giỏi về cái gì đó

Bạn có thể nói với đồng nghiệp hay thậm chí sếp của bạn về cái bạn không giỏi. Tại sao lại cần nói ra? Tôi tin rằng với những ai đi làm tử tế, có tính trách nhiệm đều hay có một trăn trở về chuyện cá nhân mình có đóng góp đủ nhiều cho đồng đội, cho công việc hay không. Và nếu lỡ có dở, có sai phạm thì từ đó cũng dễ cảm thấy mình “vô dụng”, tự ti. Cái tâm trạng đó thật sự bí bách và chán nản với nhiều người. Nói ra – thừa nhận cái mình dở là một sự dũng cảm. Nó cũng không phải nói ra xong rồi thôi, kiểu “tui dở vậy đó nên tui không làm cái này”, mà nói ra để có thể cùng tìm ra giải pháp. Hay nhất là bạn có được những lời khuyên không ngờ, giúp mình tốt hơn.

Tiên trách kỷ – Hậu trách nhân

Một trong những nguyên tắc giao tiếp trong công việc của tôi, dù là tôi nói chuyện với người khác, hay cộng sự nói chuyện với tôi cũng đều theo cách này: Gọi tên vấn đề (Problem Statement) – Đề xuất giải pháp (Proposed Solution). Để trình bày một vấn đề, xong từ đó đề xuất giải pháp phù hợp cũng là một kĩ năng quan trọng trong làm việc, mà tôi chắc sẽ được dịp khác nhắc đến (Bạn nhớ nhắc). Nhưng một trong những cách “gọi tên vấn đề” rất phổ biến mà tôi gặp đó là “đổ lỗi”.

TÂM LÝ ĐỔ LỖI

“Cái này là do gấp quá, nên em không thể nghĩ ra để làm kịp.”


“Do mình thiếu người, em không đảm đương được.”



“Em feedback rồi, nhưng mấy bạn trong team vẫn không làm được.”

ĐỐI DIỆN VỚI VẤN ĐỀ ĐẾN TỪ MÌNH
Thế có phải là do năng lực của mình còn hạn chế không? Có cách nào cải thiện để có thể làm trong thời gian ngắn không?

Trong quá trình làm, có phải là cần suy nghĩ kĩ, đánh giá khả năng thực hiện, có phương án dự phòng không? Hơn là tới hạn rồi thì bảo là không làm được?

Có phải là do mình feedback chưa tốt? Cần xem lại cách để feedback tốt hơn cho lần sau không?

Ê cái mặt nhận lãnh trách nhiệm, nhận lỗi sai thì luôn là một điều khó khăn để đối diện. Có một sự thật là tôi hay bạn không thể kiểm soát hết được mọi thứ, mọi điều ở đời không phải lúc nào cũng nhất nhất theo ý mình được. Đã biết thế, đối diện với vấn đề của mình trước sẽ giúp bạn tập trung vào việc nghĩ ra giải pháp.

Nói được với người khác là: Này, trái tim em cũng biết đau

Ngoài những lúc họp góp ý, phê bình nhau, chốn công sở vẫn dễ xảy ra những chuyện tuy đùa nhưng mà thật. Mỗi người khác nhau lại có phong cách làm việc, tư duy giải quyết vấn đề khác nhau. Chính các khác đó được dùng làm chất liệu bông đùa. Như kiểu “Làm file kiểu này chỉ có nhóc X làm thôi.”; “Họp có ai hỏi gì đâu, thể nào chỉ có nhỏ đó mới hỏi thôi!”; “Ai đem dĩa bay trả nó về đi, nó nói ai hiểu chết liền.”. Ở đây tôi không cố làm trầm trọng về chuyện đùa vui công sở. Có những cũng là đùa thật, hoặc là trong chừng mực quan hệ, thì những lời nói đùa này không ai nghĩ nặng cả. Nhưng vẫn có nhiều lời đùa trở nên quá trớn, quá nhiều dẫn đến định kiến trong công việc hay năng lực của một ai đó. Người bị đùa giỡn này có thể là bạn, hay tôi nhẹ nhẹ là thấy không thoải mái, nặng hơn là thấy bị xúc phạm, để rồi cứ canh cánh trong lòng về chuyện: có nên làm cái này không, có nên làm cái kia không, làm sợ bị nói quá đi.

Đối diện với tổn thương ở cách này theo tôi mà nói nó khó quá đi. Nói với đồng cấp đã khó, rồi nói với cấp trên còn khó hơn, sợ người ta nghĩ là mình làm quá vấn đề. Không biết người đối diện sẽ phản ứng như thế nào là một cảm giác đáng sợ. Mà rồi, thà nói để người khác biết, hơn là ôm một mối trong lòng để rồi kết cục cuối cùng của việc đó là bung bét.

Lợi ích của việc đối diện với tổn thương

Nãy giờ chỉ toàn thấy sự đau nhói, thế thì việc này thật sự có ích như thế nào? Sau đây, tôi điểm qua một vài lợi ích dành cho bạn nếu có Vulnerability.

Xây dựng được niềm tin, sự thấu cảm và sự đồng cảm trong công việc

Đã gọi là mối quan hệ, dù là yêu đương, bạn bè hay đồng nghiệp thì vẫn là một mối quan hệ. Đối với cấp trên và cấp dưới thì là có tin mới có dùng, có tin thì mới nghe theo. Đối với quan hệ đồng cấp thì có tin mới có chuyện làm cùng, mới có tinh thần đồng đội, hỗ trợ, tác chiến cùng nhau. Để đối diện với tổn thương, ở những điều tôi đưa ra ở trên thì đã có 2 việc là đối thoại rồi. Không nói cho nhau nghe, không hiểu nhau, sao mà tin nhau được.

Gia tăng giá trị bản thân

Hơi sáo rỗng một tí, nhưng bạn không tin – yêu mình thì còn ai có thể tin yêu được bản. Việc đối thoại với bản thân, đối thoại với người khác là cách bạn tập chấp nhận bản thân cả điểm tốt lẫn chưa tốt. Từ đó bạn có tự tin hơn trong những cách đưa ra giải pháp, ý kiến trong công việc, từ đó bạn cũng trở thành người đóng góp nhiều hơn. Không chấp nhận mình, mãi sợ sệt, mình sẽ là chiếc bóng nơi công sở, và rồi tự bản thân không nghỉ, thì cũng sẽ bị đào thải.

Giúp bạn vượt qua được những cảm xúc tiêu cực

Theo nghiên cứu của Brené Brown về Vulnerability: “Sự tủi hổ được nuôi lớn bởi 3 thứ: Silience – Sự im lặng, Secrecy – Sự giấu giếm, Judgment – Sự phán xét.” Im lặng giấu đi những tổn thương, cảm xúc của mình vào bên trong, sống với cái cách đánh giá của người khác (mà không nói ra thì người ta không biết) sẽ kéo bạn chìm vào vũng bùn tiêu cực. Nói ra được, có khi cũng không tiêu cực như chúng ta đã nghĩ, nhẹ lòng biết bao nhiêu.

Hiểu bản thân & tạo cơ hội cho việc phát triển bản thân

Trong mớ cảm xúc hỗn độn của bản thân, ít khi bạn có thể tìm được lối ra cho mình. Dũng cảm để đối thoại với người khác, giúp bạn có cơ hội biết thêm được những lời khuyên, giải pháp, nhìn ra được điểm mạnh điểm yếu của bản thân. (Trong việc nhìn ra được bản thân như thế nào tôi đã có đề cập trong một bài viết ngắn trước đó với mô hình cửa sổ Johari – bạn có thể tham khảo lại.) Tốt đẹp hơn, bạn sẽ tìm ra được những người đồng đội cho quá trình làm việc và phát triển của mình.

Chúc bạn hết stress, thôi sợ sệt để “sẵn sàng tổn thương” nhé. *HUG*


Bài viết có tham khảo tư liệu từ những nguồn:
(1) Vulnerability: The Key to Better Relationships | Tác giả: Mark Manson: https://markmanson.net/vulnerability-in-relationships#what-vulnerability-is-not
(2) 8 Benefits of Being Vulnerable that will Improve your Life | Tác giả: KaraMcD: https://myquestionlife.com/benefits-of-being-vulnerable/

Leave a Reply

%d bloggers like this: