Nếu bạn hỏi tôi bộ phim gì nên xem trên Netflix lúc này, tôi có thể trả lời cho bạn đó là MAID. Bộ phim đã được công chiếu trên Netflix vào đầu tháng 10 năm 2021. Maid gồm 10 tập, lấy cảm hứng từ cuốn hồi ký Maid: Hard Work, Low Pay, and a Mother’s Will to Survive của Stephanie Land. Không thuộc thể loại phim có thể tạo nên cơn sốt, Maid nhẹ nhàng nhưng nếu lỡ đã xem thì không thể rời mắt được.
[Bài viết có tiết lộ nội dung phim]
Maid kể về hành trình của Alex trong việc rời bỏ người chồng đã bạo hành mình, cô phải đi làm người dọn dẹp nhà cửa để nuôi sống bản thân và đứa con. Điều đáng nói ở đây là người chồng là một kẻ nghiện rượu, anh chưa hề đánh đập cô, chỉ la hét hay đập đồ. Trong khi đó, ở nơi cô đang sống, bạo hành tinh thần cũng khó được xem là một dạng bạo hành. Chính cô – Alex cũng hoang mang trong hành trình đấu tranh giành quyền nuôi con, cô còn không rõ bạo hành tinh thần thì có được gọi là bạo hành hay không.
Nếu bạn đã đọc những bài viết khác review về bộ phim, người ta sẽ nhắc nhiều đến tính sâu sắc của bộ phim vì đã thể hiện chân thực về nạn nghèo đói, bạo hành gia đình; hay những sự thật nghiệt ngã của cuộc đời, thực trạng các chương trình hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, chính bởi tính sâu sắc của nó, bộ phim lại chạm đến nhiều cảm xúc khác trong tôi mà mãi đến nay hơn 1 tháng tôi mới có thể viết và chia sẻ với các bạn.
Bóng ma quá khứ
Xuyên suốt 10 tập phim có rất nhiều đoạn flashback – hồi tưởng của nhân vật. Những hình ảnh quá khứ này không bị làm phim dài dòng và giúp người xem hiểu rõ những điều gì trong quá khứ đã tạo ra nhân vật chính bây giờ. Alex sống với mẹ, sau một cuộc bỏ trốn của mẹ cô trong đêm tối. Cô đã từng đậu đại học – được học ngành học mà cô yêu thích, mà mẹ cô đã nói rằng đó là một niềm tự hào vì xưa giờ chưa ai được vào đại học như cô cả. Alex thích viết văn, cô đã dành rất nhiều thời gian cho việc viết của mình. Cô gặp người đàn ông của đời mình, đã rất hạnh phúc.
Những trải nghiệm trong quá khứ sẽ luôn “vương lại” trong trí óc của chúng ta, thậm chí có tác động lên những trải nghiệm cuộc sống của ta trong hiện tại. Và tất nhiên, quá khứ đâu đồng nghĩa với những điều tươi đẹp, nó còn có cả những vết xước, những khổ đau.

Alex cũng giống như mẹ cô ngày đó, bế cô con gái nhỏ của mình chạy đi trong đêm khỏi người đàn ông. Alex chỉ khác mẹ của cô ở một điểm là cô bị người chồng bạo hành. Chính xác hơn là Alex không thật sự nhớ chuyện gì đã thật sự xảy ra hồi nhỏ, chỉ nhớ là mẹ mình mặc dù nói là “không sao đâu” nhưng khuôn mặt thì đầy sự sợ hãi run rẩy lúc bế cô đi. Kể cả khi cô đã lớn, mẹ cô cũng không bao giờ nói về nguyên nhân mẹ cô bỏ đi. Trong khi đó, mẹ cô theo đuổi lối sống du mục, sống trong một chiếc xe, vẽ tranh và kiếm sống qua ngày cùng với người bạn trai – mà Alex cho rằng đây là một người đàn ông đào mỏ, bòn rút tiền của mẹ mình.
Chẳng có ai để dựa vào, những lúc khốn cùng nhất Alex đã gọi điện cho bố của mình. Bố của cô hiện giờ đã có vợ cùng những đứa con xinh, sống yên bình, lúc nào cũng sẵn lòng đón cô đến ở chung. Alex hoang mang lắm, không thật sự biết chuyện gì đã xảy ra, không biết có nên tin tưởng vào người bố của mình hay không. Cuối cùng, cô cũng biết được sự thật rằng bố mình đã thật sự bạo hành mẹ mình. Màn sương mờ trong tâm trí của Alex được xóa bỏ, cô biết mình cần-nên dựa vào ai.
Struggle – VẬT LỘN
Sở dĩ tôi dùng từ tiếng Anh trước thay vì chỉ dùng từ “vật lộn”. Trong tiếng Anh từ này được giải nghĩa: to experience difficulty and make a very great effort in order to do something, đại ý là bạn phải kinh qua những sự khó khăn và phải có nỗ lực cực kỳ lớn để làm một điều bạn muốn làm. Thế nên, tôi mới thấy chữ “vật lộn” lại không tròn ý bởi vì nó không hẳn bao hàm được cái ý “nỗ lực lớn để làm điều gì đó”.
Nếu có một giải pháp dễ dàng hơn, tại sao chúng ta lại không chọn chứ? Đó là những gì tôi thấy trong hành trình của Alex, và có khi là cả tôi hay bạn nữa. Nỗ lực vượt qua khó khăn là một lẽ, có một thứ khác còn khó hơn bội phận đó là nỗ lực đấu tranh với bản thân để không chùn bước. Chúng ta sẽ dễ sợ đối mặt với những thứ quá khốc liệt nghiệt ngã, ta cũng sợ sẽ bị tổn thương, sợ mọi thứ sẽ tan vỡ.

Khi chọn rời đi, Alex đối diện với muôn vàn khó khăn. Không còn một đồng xu dính túi, phải đi làm vất vả mà còn phải chăm con, rồi phải đứng trước toà để chứng minh đủ thứ, để giành quyền nuôi con. Có một thứ dễ hơn cho cô đó là tập tin rằng người chồng cô sẽ thay đổi. Bộ phim không nói ra chuyện này một cách đen thùi lùi mà được thể hiện qua cách cô vẫn còn liên lạc người chồng, nhờ sự giúp đỡ, hay nhớ lại những giây phút ngọt ngào hai người đã có với nhau…
Tại trại tập trung – nơi dành cho những phụ nữ & người con bị bạo hành, cô làm quen với một cô bạn. Cô bạn là người đã cổ vũ cô đứng lên đấu tranh, và bảo với cô rằng người đàn ông đó sẽ không thay đổi đâu, cô đừng nên nhượng bộ. Thế mà, cũng có một ngày cô bạn này biến mất không lý do. Rồi tình cờ Alex lại gặp người bạn này ở trên phố, lại đang đi với người chồng (bạo hành) của cô ấy, khi Alex gọi tên, cô ấy lại vờ như không quen và bỏ đi. Cô lo lắng cho bạn mình và về trại tập trung để kêu gọi sự giúp đỡ, nhưng bà quản lý ở đấy chỉ nói với cô rằng cô không thể làm gì được hơn, vì người ấy chỉ có thể đối diện để vượt qua. (Mặt khác là ở Mỹ thì nếu như tự bản thân người đó không khởi tố – lên tiếng, thì pháp luật chẳng có thể can thiệp được)
ĐƯỢC HỌC
Vốn yêu thích viết lách và phải bỏ dang dở giấc mơ vào Đại học. Trong những ngày tháng cùng cực, một trong những cách cô có thể vượt qua được đó là viết. Cô kể lại những ngôi nhà mà cô đã đi qua – những ngôi nhà mà cô đã dọn dẹp và chủ nhân của họ.

Tại sao một bà mẹ có con gái nhỏ không thể tiếp tục con đường học vấn của mình, làm điều mình yêu? Gần cuối phim, Alex quay trở lại với người chồng, người chồng đang trong quá trình cai rượu thành công. Có thể nói đây là một cái kết mỹ mãn. Cho đến khi, cô thông báo với chồng mình rằng mình đã đậu Đại học thì phản ứng của người chồng lại không như mong đợi. Anh không cho cô đi, và nếu cô đi thì cô sẽ không mang được theo con gái của mình. Đây có thể nói là “trận chiến cuối cùng” của Alex trong việc đấu tranh giành quyền nuôi con, chứng minh rằng cô có khả năng nuôi con trước toà. Đó cũng là khoảng thời gian rất ngặt nghèo vì thời gian nhập học của cô đã cận kề.
Mặc dù rất nhiều bài báo đã khen ngợi bộ phim đã phản ánh hiện thực nghèo đói của những số phận ở nước Mỹ, về nạn bạo hành, nhưng tôi lại liên tưởng đến tác phẩm Được học (Educated) của Tara Westover. Điểm trùng hợp cuốn sách này cũng là một hồi ký của một người phụ nữ phải đấu tranh để được tới trường. Tác giả Westover cũng đã nói: “Giáo dục là quá trình tự khám phá, nâng cao nhận thức và cảm giác về bản thân”.
Học không phải để có học vị, bằng cấp, cũng không hoàn toàn là để giỏi hơn mà là để bạn có thể tìm thấy chính mình, tìm được tự do.