Bạn có đang “giết chết” sự chủ động của nhân viên không? 

Gần đây tôi có lụi cụi tìm đọc lại mấy tài liệu về Agile, có nhiều thứ khá là thú vị muốn chia sẻ cho các bạn. Một trong những tác giả tôi tìm đọc là Henrik Kniberg. Anh được biết đến là tác giả các cuốn sách về Scrum, Kanban, từng làm việc ở Spotify, Lego và là một nhà huấn luyện về Agile & Lean. Chưa bàn về Agile Working (phương thức làm việc linh hoạt), nội dung của bài viết tôi muốn đề cập đến câu chuyện của người quản lý. 

Ở môi trường làm việc bạn đã nghe hoặc thậm chí dùng rất nhiều lần chữ “alignment”. Henrik Kniberg cũng đã đề cập tới khái niệm này kèm theo chữ “Autonomy”. 

Alignment

Chỉ về việc truyền thông trong công việc giữa các nhân sự, đội nhóm nhằm giúp đội nhóm có thể cùng hướng về một mục tiêu, để đảm bảo được sự đồng bộ – liên kết của công việc. Không có alignment sẽ xảy đến hiện tượng đội ngũ không đạt được mục tiêu cần đạt, mất kiểm soát, mỗi người một nẻo. 

Autonomy

Là sự tự chủ, chủ động trong công việc của mỗi cá nhân hoặc các đội nhóm nhỏ. Sự tự chủ này giúp mỗi cá nhân tăng được khả năng học hỏi, tất nhiên năng lực cũng được nâng cao. Công việc vì thế sẽ tốt hơn, người quản lý bớt gánh nặng trong chuyện “gánh việc”, “gánh team”.

Thiết kế chibi minh họa: Hồ Tiến Lộc

Ở hình minh họa bên dưới, bạn có thể thấy rõ các kiểu giao việc/làm việc của người quản lý như sau:

  1. Alignment thấp & Autonomy thấp: Đây là kiểu quản lý vi mô (micro management). Kiểu là không có cho nhân viên có một cái nhìn toàn cảnh, hiểu được tại sao cần làm điều này điều kia.
  2. Alignment cao & Autonomy thấp: Người quản lý là người “tốt bụng” quá mức cần thiết. Họ giao việc cho nhân viên, cập nhật mục tiêu, vấn đề và nghĩ luôn ra cả giải pháp. Nhân viên cứ thế làm theo, lâu dần sẽ có tính ỷ lại, rồi xong việc gì cũng phải đến tay sếp, chờ sếp. Người quản lý (có thể) vẫn cứ là người giỏi nhất, còn nhân viên thì giao gì làm nấy, không giao gì thì… thôi. 
  3. Alignment thấp & Autonomy cao: Người quản lý không đưa ra thông tin gì cụ thể, không có giao tiếp rõ ràng về mục tiêu trong công việc hay “đề bài” cụ thể. Người này luôn “sống trong mộng tưởng” là chắc mọi người đang tự biết mà làm rồi. Tất nhiên, nhân sự vì thế có tính tự chủ cao, nhưng còn việc có tốt hay không lại là chuyện khác.
  4. Alignment cao & Autonomy cao: Người quản lý truyền thông tốt về mục tiêu công việc, về các vấn đề và để các nhân viên đưa ra giải pháp. Nhân viên chủ động đưa ra giải pháp, giải pháp đó có thể đúng hoặc sai, nhưng quan trọng nhất cả nhóm làm việc cùng nhau có thứ để thảo luận, bổ khuyết cho nhau. Nhân viên vì thế được tạo điều kiện tự học, học qua trao đổi cùng với sếp và giỏi hơn. Sếp thì nhàn.

Căn bản, khi bạn đi làm, bắt đầu ở vị trí nhỏ, có thể bạn sẽ chỉ cần task-delivery – hoàn thành công việc trước. Nhưng đến khi bạn thành “người lớn”, là senior bạn cần sẽ tập trung vào việc xác định mục tiêu, vấn đề và tìm ra giải pháp. Nếu bạn chỉ làm quanh quẩn trong cái gọi là hoàn thành công việc, bạn sẽ dần mất việc. Ví dụ dễ hiểu nhất là giống như bạn đi tìm một người có khả năng thiết kế theo ý bạn muốn chẳng hạn, nếu freelancer đó bảo là không làm được – vì khả năng tui chỉ hoàn thành được tới mức này, thế thì bạn sẽ phải tìm người khác mà đưa ra giải pháp cho bạn. Bạn đưa đề, và bạn muốn có người cho bạn giải pháp.

Ở khía cạnh là người quản lý, tôi biết, nhiều trường hợp bất đắc dĩ phải chỉ luôn hướng đi, “để tụi nó làm cho lẹ, cho xong cho rồi”. Hoặc bạn cũng sẽ bảo là chỉ nhiều mệt quá, mất thời gian. Hoặc là bạn lại không biết chỉ như thế nào (cái này thì càng chết nữa). Làm người quản lý, một trong những điều quan trọng là phải có kỹ năng hướng dẫn, đào tạo để phát triển đội ngũ. Phải tạo được phương thức làm việc, tạo được tinh thần tự chủ của nhân sự thông qua cách giao việc.

Vì nếu sợ mệt ngày hôm nay, chỉ cho nhân sự những cái giải pháp cụ thể quá nhiều, một ngày đẹp trời bạn sẽ lăn ra vạ vật: Vì đời bạn khổ quá, suốt ngày phải gánh, phải nghĩ, phải làm cho nhân viên của bạn, còn tụi nó thì mãi không giỏi lên.

Leave a Reply

%d bloggers like this: