Đầu tháng 01/2023, Grab & ZaloPay chính thức công bố hợp tác, từ cột mốc này, người dùng có thể sử dụng thêm phương thức thanh toán ZaloPay trên siêu ứng dụng Grab. Có những chiến lược tiếp thị – truyền thông nào mà bạn có thể áp dụng khi quan sát “phi vụ” này?

Theo thông tin trên Crunchbase, Grab là nhà đầu tư ở vòng gọi vốn Doanh nghiệp (Corporate Round), còn mua hết để sở hữu toàn bộ Moca hay không vẫn chưa rõ thông tin. Nhưng đối với người dùng, Moca như là sở hữu của Grab hoặc không thì cũng là độc quyền. Việc có thêm một ví điện tử xuất hiện trên Grab chính vì thế gây bất ngờ.

Nhìn lại về thị phần ví điện tử, Momo vẫn đang đứng đầu với hơn 31 triệu người dùng, bỏ ZaloPay ở khoảng cách khá xa, chứ chưa nói đến Moca có khi nằm cuối bảng với thị phần thấp nhất. Nhưng cả ZaloPay và Moca đều có một lợi thế cạnh tranh không công bằng, mà dù Momo muốn cũng chưa có được đó là lượng người dùng đứng đầu trong hệ sinh thái. ZaloPay có Zalo Messaging app, cộng thêm tính năng chuyển tiền qua tin nhắn; Moca có Grab – “người khổng lồ” trong đặt xe, gọi món không phải bàn cãi. Tuy ngạc nhiên, nhưng lại hợp lý quá trời cho việc hợp tác này của hai bên.

Top 3 ví điện tử được sử dụng thường xuyên nhất theo báo cáo của Statista

Trong khuôn khổ bài viết, tôi sẽ không đề cập sâu vào việc hợp tác này mà chỉ nhìn ở góc độ truyền thông. Hoạt động truyền thông của lần hợp tác này đã áp dụng một số xu hướng truyền thông thương hiệu năm 2023.

Snack Video: không tuyến tính, không nặng nề trong sản xuất

Có một bài viết tôi cho là khá thú vị mang tên Khán giả có còn thích MV Story-telling?, nói về hiện tượng “khán giả ngày càng có sự vội vã hơn trong hành trình giải trí của mình”. Bài viết nói về cách các ca sĩ hiện nay đang hoặc là bỏ luôn việc làm MV, hay chuyển sang làm MV Lyrics chỉ với ảnh chụp cùng với các typo; hoặc không nặng tính kể chuyện dài dòng, đầu tư nhiều bối cảnh, nhân vật. Quả thật, thế giới quảng cáo và các sản phẩm truyền thông cho những chiến dịch ngày nay cũng như thế. Nhìn vào một Key Creative Asset (sản phẩm truyền thông chủ đạo) bên dưới bạn sẽ thấy đó là video được tạo thành bởi những bức ảnh, cùng với hiệu ứng chuyển động của chữ và hình ảnh, tạo thành một chiếc quảng cáo 15s chạy trên mọi mặt trận. Bạn có thể gọi đây là định dạng Motion Video, hay là Cinemagraph thì cũng đều được. Các định dạng này trên thực tế không quá xa lạ trong cách làm của Grab đối với các sản phẩm truyền thông. Với nhu cầu liên tục về việc ra chương trình khuyến mãi, chiến dịch, rõ ràng không thể mỗi chiến dịch lại “bày ra” rất nhiều thứ cho việc sản xuất, vừa tiêu tốn nhiều tiền, công sức mà gần như việc tái sử dụng các sản phẩm này gần như bằng 0. Sản xuất theo cách này có thể gọi là cách sản xuất thông minh nhất cho doanh nghiệp. Về thị hiếu của người tiêu dùng thì quảng cáo có thông điệp nhanh, trực diện, dễ dàng nắm bắt được lợi ích của nhãn hàng là được, thế thì bạn có cần phải đầu tư quá nhiều vào việc kể chuyện tuyến tính dài dòng nữa không?

Nói như vậy không có nghĩa là production value – giá trị sản xuất của những sản phẩm video này thấp. Như trường hợp của GrabxZaloPay, giá trị đến từ định hướng sáng tạo, đến việc video có sự xuất hiện của hai Influencers là Anh Bạn Thân & Kiên Hoàng. Và việc phải tổ chức một buổi chụp ảnh, để ảnh có thể có được chất lượng cao nhất trong việc sử dụng trong các mục đích truyền thông khác nhau trên các kênh.

Co-Creation: Hợp tác sáng tạo, sản xuất và quảng cáo

Một Creative Asset khác trong lần truyền thông này của GrabxZaloPay là một chiếc video khác có thời lượng 30s, được sử dụng đăng trên Fanpage Anh Bạn Thân và Youtube của Grab. Nếu làm trong ngành công nghiệp sáng tạo, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy video có chất lượng tốt nhưng không phải chất lượng cao như phim quảng cáo. Video có sử dụng những cú máy thường thấy trong nhiều phim quảng cáo, có cả flycam… nhưng chất lượng ánh sáng ở các khung hình không đều nhau có thể thấy rõ. Bạn đừng hiểu lầm theo hướng bình phẩm tiêu cực nhé, mà điều tôi muốn nói ở đây là cơ chế cộng tác sáng tạo và sản xuất đối với các Influencer. Với sự hiện đại của công nghệ, và tính chuyên nghiệp ngày càng cao của các ekip làm việc cho KOL/Influencer, bạn có thể sẽ rất bất ngờ vì các đội này có sức sáng tạo cao, cách sản xuất rất gọn ghẽ mà vẫn chất lượng.

Hình ảnh cắt từ video trên Fanpage Anh Bạn Thân

Trong nhiều chiến dịch, đặc biệt khi cộng tác với các KOL lớn (mà không phải celeb), nhãn hàng cũng có xu hướng cộng tác để “đưa đề bài” cho các KOL, và các KOL tổ chức thực hiện luôn phần sản xuất. Như vậy, gói hợp tác của một chiến dịch cộng tác như thế này sẽ bao gồm: Cho phép sử dụng hình ảnh để nhãn hàng quảng cáo, quay video theo yêu cầu, đăng tải video, tham gia chụp ảnh,… thậm chí cho quyền quảng cáo trên chính trang mạng xã hội của KOL.

Ngoài cộng tác về sáng tạo, sản xuất, các nhãn hàng cũng cộng tác trong việc thực hiện quảng cáo, được hiểu là nhãn hàng có quyền quảng cáo trên trang mạng xã hội của KOL. Tuỳ từng nền tảng, hình thức này sẽ có cách gọi khác nhau. Với Facebook thì đó là Branded Content, với TikTok thì là Whitelisting… hiểu đơn giản là các tài khoản mạng xã hội của KOL cho phép các trang quảng cáo của nhãn hàng truy cập vào trang với vai trò chạy quảng cáo. Điều này giúp “tiện công” trong việc làm một gói cộng tác với các KOL như đã nói ở trên, còn giúp nhãn hàng có sự an toàn trong thương hiệu (kiểu là tôi không phải là người trực tiếp phát ngôn chuyện này, mà vẫn là qua góc nhìn của KOL), nhắm mục tiêu đúng đối tượng hơn (từ lượng fan đã có của KOL đó).

[EXTRA] Snack Video x Co-Creation: Sử dụng nền tảng mới tạo ra mẫu sáng tạo

Mới đây, TikTok đã cho ra mắt thử nghiệm của mình với TikTok Effect House, một công cụ để các nhà sáng tạo AR có thể tự tạo những Filter cho mình trên TikTok. Điều này không quá mới so với Meta, khi vào năm 2017, Facebook đã cho ra đời công cụ Spark AR để tạo hiệu ứng AR không cần code, phân phối ở trên Instagram và Facebook. Nói như vậy để thấy rằng nền tảng công nghệ giúp cho mọi thứ sáng tạo ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Trong hệ sinh thái sản phẩm của TikTok có một sản phẩm mang tên CapCut. Không đơn thuần là một ứng dụng biên tập video, bạn còn sẽ thường xuyên bắt gặp một cụm gọi là “CapCut Template”, là những mẫu video có sẵn, bạn chỉ cần bỏ ảnh, bỏ video vào, chuyện còn lại cứ để cho mẫu này lo. Một trong những mẫu trend nhất trong lúc tôi viết bài này là mẫu Ưng Quá Chừng – bài hát của AMEE.

Một chiếc CapCut Template đang thịnh hành

Bạn có còn nhớ bài hát “2 3 con mực… 3 chai tăng lực” và có hình ảnh nước tăng lực Number 1 không? Làm thế nào thương hiệu của bạn cũng có thể xuất hiện được như thế? Cộng tác với các nhà sáng tạo để tạo ra mẫu CapCut như thế nào? Hẹn bài tới vậy 😉

@thanhlong.ng

Lấy bao nhiêu miếng (khoai tây), say nàng bấy nhiêu #ichooselays

♬ original sound – Thanh Long Nguyen – Thanh Long Nguyen
Một mẫu trong chiến dịch HTC mà team chúng tôi đã thực hiện. Nhằm để cho người dùng dễ dàng tham gia HTC hơn (chứ nhảy, diễn khó quá mà T.T)

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.