Cẩm nang ‘bơi lội’ trong Startup (Phần 1)

Xin lưu ý cho loạt bài viết này chống chỉ định với những ai đang cân nhắc có nên đi làm ở một công ty khởi nghiệp hay không. Bài viết thật sự dành cho những ai đã “lỡ sa chân” vào startup, nhưng vẫn còn rất trẻ và bị hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm gì với đời mình. Vì chúng bạn, ai cũng làm công ty to, còn mình làm công ty khởi nghiệp đã khổ lại còn làm trăm thứ chuyện không tên trong cuộc đời đi làm.

Dù làm công ty to hay là Startup, hay dù bạn chức to cách mấy, thì cũng phải có một ông/bà sếp nào đó nắm đầu. Sếp thì ôi thôi nhiều kiểu, nhưng có những kiểu mà ở công ty Startup khá là kinh điển khi thường họ hẳn là chức to nhất công ty (founder lận), thành ra trong cẩm nang “bơi lội” này tôi đặc biệt gọi tên những kiểu sếp mà dễ làm bạn phải bộc lộ kỹ năng “bơi lội” của mình.

1. Sếp ngoài bỏ tiền ra thì gần như không làm gì

Tôi phải nói là “gần như” nhé. Vì có khi làm chủ một startup bạn biết đấy, nội chuyện dành thời gian đi gặp đối tác không thôi đã mất hết cả thời gian chẳng kịp làm gì. Hoặc họ chỉ giỏi về chuyên môn chính cái họ lập ra thôi, nên thành ra chỉ làm đúng việc đấy.

Xác định khi làm với sếp kiểu như kiểu này, kĩ năng bạn cần có nhất chính là đặt câu hỏi. Câu hỏi gì đây? Bạn chỉ cần nắm một câu hỏi đơn giản nhất thôi: “Anh/chị có ước vọng công ty mình sẽ như thế nào?” (là hỏi vision mission đó). Thường ai ra làm startup cũng có nhiều vọng ước: ước thành công ty to, ước cứu thế giới,… Cách họ hình dung về công ty những năm về sau sẽ giúp bạn tự định hình công việc của mình, tự biết điều gì nên làm hay không nên làm. Chính lúc đặt câu hỏi này, cũng là lúc bạn biết bạn có thể ở đây được lâu dài hay không nữa. Có hai xu hướng sếp sẽ trả lời câu hỏi này như sau:

  • Vision của họ là nhìn đâu cũng thấy tiền. Họ nói nhiều về dự định, họ nói chuyện về việc làm thêm cái này cái kia, phát triển thêm cái nọ, … Ca này khó. Nếu bạn đã xác định đời mình cần cống hiến gì đó thì chắc sẽ không hợp đâu nhé. Lời khuyên là, cứ làm đã, dù sao bạn cũng chỉ dưới 1 người (trên vạn người), hãy làm một cái gì đó hay hay ho ho rồi đi đâu thì đi nhé.
  • Vision của họ là giải cứu thế giới. Họ nói về cách họ nhìn nhận về công ty, về việc công ty có thể thay đổi điều này điều kia, phục vụ được cho khách hàng cái này cái nọ,… Aha, lúc này bạn chỉ việc chiến đấu thôi. Hãy thỏa sức sáng tạo, hãy làm mọi điều có thể nhé.

2. Sếp siêu “soi” bắt làm đi làm lại cho tới khi hắn hài lòng mới thôi

Sếp kiểu này mình hay gọi vui là “sếp thắng Đậu” đó. Kiểu là: “Sao không hâm nước mắm hả?”. Có cái bài viết đưa cho sếp này mà sửa tám trăm lần, sửa cho chừng nào mình nản thì thôi. Cứ mỗi lần như thế là tức cái bụng lắm, còn bao nhiêu thứ phải làm mà cứ bắt làm mỗi cái này.

Bạn ơi, lúc này hãy ném cái tinh thần phán xét của mình qua một bên ha. Một tâm lý rất phổ biến của các bạn mới đi làm (không chỉ mỗi startup) là luôn thấy một (hoặc nhiều điểm) của công ty rất không chuyên nghiệp. Từ tâm lý đó lại rất hay đặt những câu hỏi dạng như: Anh ơi, công ty mình có quy trình không? – Không có hả. Kỳ quá hà. ; Anh ơi, công ty mình có slogan không anh? – Kỳ vậy, phải có slogan chứ….

Làm startup, đôi khi bạn phải hiểu rằng: Phải sống được trước cái đã. Có slogan mà làm gì xong công ty cũng chết, có quy trình hả, cũng tốt đó, nhưng có kiếm ra tiền liền không? Ai cũng từ không chuyên nghiệp lên tới chuyên nghiệp, vậy nên mới cần bạn. Và những người sếp mà hay soi, bắt bạn làm đi làm lại thì họ cũng có lý do của họ. Mặt khác, “tinh thần phán xét” làm bạn không thật sự hiểu sếp, hiểu ý nghĩa của việc bạn đang làm và trong sâu xa, có một việc cỏn con như vậy bạn không làm sếp hài lòng thì làm sao bạn có thể làm được những việc khác.

Hãy luôn nhớ một điều: chưa làm được việc mà sếp đã giao, sáng tạo – hay ý kiến ý cò gì thêm nó cũng chẳng chứng tỏ được năng lực gì của bạn với sếp cả.

3. Sếp tốt bụng, dễ thương nhưng chẳng chỉ dạy bạn được thêm điều gì

Khi đi làm, điều những người trẻ trông mong nhất là được học hỏi, sếp giỏi được học hỏi nhiều điều. Và nếu bạn xui xẻo gặp ngay sếp ngoài sự tốt bụng ra thì chẳng giỏi gì hết, làm sao đây?

Không sao cả, mấy người trong cuộc đời này mà gặp sếp tốt bụng đây? Hãy lấy đó làm điều vui. Chính lúc này, bạn phải là người “lèo lái” sếp đó. Việc đầu tiên là hãy tìm cứu viện. Không học được từ sếp thì học được từ người khác cũng được mà. Tôi hay gọi đây là “sếp tinh thần” đó, hãy tìm được người này, người này sẽ là người giỏi bạn thầm mơ ước, và cũng là người phải đồng ý giúp đỡ, tư vấn bạn trong mọi việc.

Việc tiếp theo là hãy làm việc thật kĩ với sếp của bạn về KPI. Thường mấy ông sếp tốt bụng mà chẳng dạy được gì cho bạn thì thực ra có khi họ cũng không biết thuê bạn về làm đích xác cái gì đâu ( =)) I am so sorry. Haha) Họ có thể thấy việc nhiều cần người, nhưng thực ra không có kĩ năng về hướng dẫn, trao quyền, họ có một điều khổ tâm là mỗi ngày nghĩ việc cho bạn làm cũng làm họ rất mệt và mất sức. Nên hãy là người hữu dụng nhé, và hãy tự mình hiểu công việc, đặt KPI. Lúc đó hãy thảo luận với sếp là: Em sẽ làm dzầy dzầy, KPI dzầy dzầy, chịu hông? Mai mốt tui làm đúng việc của tui, còn bắt tui làm cái khác tui chửi à =))

4. Sếp là chúa hứa lèo, hay quên và có một sự bừa bộn nhẹ

Điều này thể hiện sếp bạn là một người khá bừa bộn và cũng rất thông minh. Sếp này sẽ yêu thích sự ngẫu hứng, có thể đang ngồi làm nhưng xô ghế đứng dậy bắt nhân viên ra quán cafe uống trà sữa và họp.

Sếp kiểu này phải nói là “kinh điển” của “kinh điển”. Kiểu là: Em, cái file đó đâu rồi, chưa gửi cho anh coi à. Những lúc đó tôi hiểu bạn chỉ muốn chửi: “f*ck u! Mới gửi hôm qua mà. Chưa đọc đã ré lên” Xong các bạn sếp hay tự tạo ra mấy cái file mà trong khi mình đã tạo rồi, nói chung bạn ấy rất là abc, xyz.

Phải nói với sếp như này thì bạn cần làm má của bạn ấy may ra mới sống yên ổn. Bản thân bạn phải là người gọn gàng trước, phải làm form báo cáo, quy trình chuẩn, rồi “dạy” lại cho sếp. Để mỗi lần hắn ré lên thì ngay lập tức bạn nhanh chóng quăng vô mặt. Và cũng nhớ tập phong cách sống “bitchy” là email rõ ràng, cái gì cũng giữ bằng chứng, không để hắn dập. Nhé nhé.

À, thêm chút là làm cái gì cũng in in ra quăng dzô mặt bạn ấy thì may ra mới không bị quên. Và yên tâm, cái bàn của bạn ấy sẽ như đống rác. Đơn giản lâu lâu đem đốt đống rác đó chọc tức bạn ấy chơi :))

5. Sếp làm hai – thậm chí nhiều công ty

Một lần nữa tôi nêu cao tinh thần #ngưngphánxét, bạn ấy làm việc khác là của bạn ấy, không phải việc của bạn. Đôi khi bạn quá phán xét sẽ dẫn tới những cư xử không đúng mực, hoặc bực tức không đâu.

Làm ở một công ty nào mà nói, bạn chỉ cần làm hai việc:

  • Làm những việc của bạn được giao và đạt KPI (1)
  • Làm những việc không thuộc nhiệm vụ của bạn, thậm chí của người khác (2) – nhưng phải là việc giúp bạn đạt được cái (1)

ĐƠN GIẢN LẮM NGƯỜI ƠI 😀

2 thoughts on “Cẩm nang ‘bơi lội’ trong Startup (Phần 1)”

  1. Sếp tổng thì ko vấn đề gì ha.. mà sếp trực tiếp thì ôi thôi..mỗi thứ 1 ít anh à. T_T Sếp tổng giao nhiệm vụ cho ổng riêng, cho em riêng, sau đó sếp tổng đi thì ổng giao lại nhiệm vụ của ổng mới nhận được cho em…được cái hiền lành đó, nhưng không biết học được gì từ ổng…lại hay quên…hứa lèo nữa… Đã thử cách phân nhiệm vụ: anh làm cái này, em cái này nhen. Ừ xong 1 tuần sau..e làm cái này của anh luôn đi..nhưng ko nói là làm dùm anh, mà chỉ nói cái này nhiệm vụ của em -_- Chứ gì dậy….!!

Leave a Reply

%d bloggers like this: