Quản lý và lãnh đạo nhiều khi nghe giống giống nhau, khiến những bạn mới lên vị trí team leader hay manager phải bối rối không biết nên làm gì.
Trong một cuộc họp định kỳ hàng tuần gần nhất với các manager, một bạn manager có báo cáo rằng công việc đã không được hoàn thành. Nguyên nhân đến từ việc các nhân viên của bạn có vấn đề về sức khoẻ, team mỏng, việc nhiều nên cuối cùng công việc không được hoàn thành. Tôi có hỏi bạn: “Thế sao em không làm? Vì đó cũng là công việc cần hoàn thành mà team đã cam kết, các bạn không làm thì em phải làm. Điều đó thể hiện tính cam kết mà cũng là cách em làm gương, làm mẫu cho các bạn. Mình là quản lý thì phải làm vậy chứ.” Nói dứt câu, đầu tôi cũng tự liên hệ đến một hình ảnh mà tôi đã được biết trước đây, tự cảm thấy lời nói của mình có gì đó sai sai.

Như bạn thấy ảnh ở trên, quản lý (management – là boss như trên ảnh) và lãnh đạo (leadership) đang được minh hoạ như một cách làm việc, phong cách của những người làm vị trí manager. Không ít lần, trong những cuộc phỏng vấn, tôi cũng nghe được việc các bạn rời bỏ công ty vì là sếp của các bạn “không làm cùng bạn, không ghi nhận những việc bạn đã làm…”.
Sự khác nhau của Quản lý và Lãnh đạo
Mark Zuckerberg (Founder & CEO của Meta) là một nhân vật để bạn có thể hình dung rõ ràng về một người lãnh đạo. Người làm lãnh đạo là những người truyền cảm hứng về tầm nhìn của tổ chức, họ là người nhanh chóng đưa ra các định hướng của tổ chức trước những biến đổi của môi trường cạnh tranh. Họ sẽ không/ít làm những công việc như lập kế hoạch chi tiết, kế hoạch hành động hay đi giám sát đôn đốc. Theo định hướng được đề ra, họ sẽ chọn việc cần làm để cải thiện, thay đổi tổ chức. Nói nôm na là người làm lãnh đạo không làm mấy cái kiểu chi tiết, chi tiết.
Ngược lại, quản lý sẽ là công việc cần lập kế hoạch chi tiết, thực hiện các hoạt động có tính hằng ngày, thường xuyên định kỳ. Chính công việc mang tính chất đều đặn này mới giúp duy trì hoạt động của tổ chức. Nếu nói lãnh đạo là truyền cảm hứng để tập hợp con người lại, thì người quản lý là tổ chức con người, mọi công việc sẽ liên quan nhiều đến sắp xếp, đảm bảo nguồn lực.
Dễ nhận ra người lãnh đạo là người sẽ hay hỏi “tại sao phải làm cái này?”, “Thế học được gì, rút kinh nghiệm ra sao cho những lần tiếp theo?”. Còn người quản lý sẽ chú trọng vào câu hỏi theo 5W – 2H: Who – Ai, What – Cái gì, When – Khi nào, Where – Ở đâu, Why – Cơ sở lý luận để làm việc này, Bao nhiêu tiền – How much, Làm như thế nào – How. Cách đặt câu hỏi 5W – 2H cũng là một kiểu đơn giản nhất trong việc lập kế hoạch.
Phải chọn như thế nào giữa Quản lý & Lãnh đạo?
Câu trả lời là bạn không phải chọn, bạn cần có cả hai. Khá là dễ để là quản lý. Phần nhiều bạn có thể học theo kiểu kĩ thuật, như việc lập kế hoạch, giám sát – kiểm tra tiến độ, kiến thức chuyên môn… Nhưng đối với việc lãnh đạo đó lại là một thử thách. Không chỉ hiểu biết “phần cứng”, bạn phải nắm bắt được tâm lý của nhân viên, có khả năng truyền cảm hứng – tạo động lực, đào tạo – phát triển đội nhóm…
Trước những thay đổi & biến động phức tạp trong bối cảnh xã hội lẫn kinh tế, bạn và tôi đều là những người đang chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi đó. Nào là sức khoẻ tinh thần, nào là kinh tế… vân vân, trong khi đó bản thân mỗi người lại là nguồn lực/phần tử của một tổ chức, tổ chức có phát triển thành công được hay không cũng đến từ mỗi con người. Chính vì vậy, quản lý không chưa đủ, bạn cần phải có kỹ năng lãnh đạo để có thể chí ít là giúp đội nhóm của bạn trụ vững, thích ứng & tìm ra cơ hội trước những sự thay đổi.