23/04/2020 có lẽ là một cột mốc thật sự quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt với những Doanh nghiệp đang ngoi ngóp hay cầm cự. Nhưng để có thể trở lại “như ngày xưa ta đã từng” e cũng là một khó khăn lớn. Chiến lược Tiếp thị truyền thông, đặc biệt trên môi trường số của bạn liệu sẽ nên thay đổi như thế nào? Bài viết sẽ có một vài gợi ý cho bạn.

Thường vào thời điểm đầu năm – Quý I, dễ thấy và tìm được rất nhiều báo cáo về thị trường, báo cáo về Digital Marketing, đặc biệt là những dự báo về xu hướng mà các nhãn hàng nên đón đầu.

Từ khi dịch bùng phát, rồi giãn cách xã hội, rồi nhiều thứ diễn ra, hành vi – tâm lý của người tiêu dùng/khách hàng thay đổi đáng kể. Các trang chuyên về báo cáo thị trường, hành vi người tiêu dùng cũng cho ra các báo cáo nói về những thay đổi này. Có những ngành hàng tìm thấy được trong “nguy có cơ”, có những nhãn hàng chỉ mong cho hết dịch rồi trở lại bình thường, có những bạn marketers lo lắng rằng người tiêu dùng thay đổi vậy – chỉ có nước làm plan lại từ đầu. Nghĩa là có vẻ như những báo cáo đầu năm kia – những dự đoán xu hướng kia có lẽ không còn hữu dụng nữa.

Làm việc ở nhà đồng nghĩa với việc ít di chuyển hay sa đà vào những buổi ăn chơi khiến tôi có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, đọc lại các báo cáo thị trường. Cộng với việc đọc các báo cáo mới, quan sát tôi nhận ra rằng các báo cáo này vẫn đúng – vẫn có giá trị sử dụng. Các số liệu này vẫn chỉ ra được những điểm cốt lõi – thuộc về bản chất, cũng nói được những sự thay đổi về hành vi, và đại dịch chỉ là “làm lộ rõ bản chất” hơn thôi.

Phải nói dài vậy để các bạn hình dung được phương pháp tiếp cận của tôi cho việc ứng biến chiến lược tiếp thị truyền thông (số). Trong bài, tôi chọn dùng các bản báo cáo phổ biến mà các marketers hay sử dụng cho đến các báo cáo mới trong thời điểm dịch COVID-19

Sau đây, là một số key takeaways từ báo cáo của We Are Social.

  1. Một con người – Đa bản thể
Một người dùng Internet tại Việt Nam có trung bình 8.9 tài khoản mạng xã hội

Người dùng có xu hướng sử dụng mỗi mạng xã hội để thể hiện các khía cạnh bản thân khác nhau của mình. Có thể rất nghiêm túc trên Facebook nhưng lại sexy ở trên Twitter. Trên Facebook cá nhân có thể chẳng nói gì, nhưng lại sẵn sàng tham gia bình luận trong một Group Hội Khẩu Nghiệp – chửi tung trời.

Trào lưu ảnh này đã nói lên tất cả

Có một từ mà tôi cũng thích dùng cho trường hợp đã kể trên là Guilty Pleasure – Khoái cảm tội lỗi. Nghĩa là có thể phần đông thấy nó sai sai, kì kì, nhưng vẫn cứ thích làm. Nên mới nói, thế giới mạng, các nền tảng mạng xã hội là cơ hội để một con người thể hiện ra các bản thể khác nhau của mình, mỗi nơi một mẩu (mà ít nơi nào thể hiện toàn bộ).

Tips cho bạn là:
– Hãy chú ý đến những group – hội kín hơn
– Nội dung tạo ra không phải là từ facebook xong tôi đem ứng dụng vào instagram nữa mà phải biến tấu theo “gout” của nền tảng đó
– Paid media cân nhắc tiếp cận đa kênh hơn

2. Tiếp thị nội dung âm thanh – Không quá mới nhưng hãy bắt đầu sớm

Nghe nhạc, nghe radio và podcasts – Ngạc nhiên chưa?

Không biết bạn đã nghe qua mạng xã hội âm thanh Spoon chưa? Và tất nhiên tôi không quảng cáo cho Spoon, nhưng tôi đã thật sự có một tài khoản như vậy chỉ với nhu cầu nghe ai đó hát và trò chuyện. Nhu cầu nghe – nhìn, không phải là nhu cầu mang nghĩa chung chung hay gộp lại. Mà có thật là có người dùng chỉ thích nghe, chứ không thích nhìn.

Sự phát triển của các dịch vụ music streaming hay các kênh podcasts đã ra đời phục vụ cho nhu cầu nghe này. Không biết những bạn đang đọc bài của tôi có biết Quick & Snow Show không? Có từng nằm dài trong căn phòng trọ hàng giờ liền chỉ để nghe radio hay không? Giữa cuộc sống bộn bề, xu hướng JOMO (joy of missing out – đã được minh chứng bằng nhiều báo cáo, mà tôi sẽ nói ở bài viết khác) nói về việc người dùng bị stress bởi chính môi trường internet, họ muốn dành nhiều thời gian cho bản thân, muốn dùng những thứ gì đó nó nhẹ nhàng hơn, “âm thanh” là một ví dụ.

Tiếp thị bằng nội dung âm thanh có thể dễ dàng hơn ở việc sản xuất nội dung, nhưng lại cần nhiều sự tinh tế, phù hợp với những nhãn hàng cao cấp, hoặc những nhãn hàng có tập khách hàng nhỏ nhưng yêu cầu cao trong trải nghiệm.

Pizza 4P’s vừa tung dịch vụ “giao niềm hạnh phúc tận nơi” – đặt một cái là có Pizza 4P’s tại nhà từ giữa tháng 04. Ai đã từng phải canh đặt chỗ, rồi chờ hàng giờ để ăn Pizza 4P’s đều hẳn khoan khoái với chuyện giao tận nơi này. Thương hiệu này không quên tặng cho khách hàng một danh sách nhạc trên Spotify, đã được cẩn thận chia ra: danh sách nhạc ăn trưa, danh sách nhạc ăn tối. Đây là một cách tinh tế để chia sẻ thông điệp “sharing happiness” bấy lâu nay của họ, cũng là cách tạo intimate touch/engagement – tương tác thân mật với khách hàng – giành được sự yêu mến cho nhãn hàng.

3. Nữ giới là đối tượng tích cực nhất trên môi trường số

Nghe thấy không lạ, và cũng ít khi sai vào đâu được. Các số liệu chỉ ra rằng ở trên nền tảng facebook, phụ nữ bình luận nhiều hơn, like nhiều hơn, click vào quảng cáo ngang ngửa so với cánh mày râu.

Điều này diễn ra tương tự với Instagram, Linkedin. Trong khi đó, Twitter lại có nhóm nam giới lại có tương tác lớn – tích cực hơn nữ giới.

Đối với thương mại điện tử, nữ giới có tỉ lệ mua hàng cao hơn, trong khi đó nam giới sở hữu thẻ tín dụng lại có tỉ lệ vượt hơn.

Một chút lụm ra vui như vậy thôi, bài kế tiếp tôi sẽ đến với phần báo cáo khác cho bạn. Bên dưới là bản báo cáo đầy đủ của We Are Social.

Leave a Reply